Tổng quan về cấp nước chữa cháy ngoài nhà ở Việt Nam

31/08/2020 5:10:29 CH

Cấp nước chữa cháy ngoài nhà là giải pháp không thể thiếu để đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Giải pháp cấp nước chữa cháy ngoài nhà là giải pháp lấy nước từ hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà hay lấy trực tiếp từ các bồn, bể, sông, hồ… Trong đó, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà được định nghĩa là mạng đường ống nước bên ngoài công trình cùng với các trụ cấp nước và các thiết bị (máy bơm, bể nước áp lực, các van…) dùng để cấp nước cho mục đích chữa cháy.

Căn cứ vào áp lực cấp nước, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà được chia làm hai loại: hệ thống áp lực thấp và hệ thống áp lực cao. Hệ thống cấp nước chữa cháy áp lực thấp là hệ thống cấp nước cho các phương tiện chữa cháy như xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, còn hệ thống cấp nước chữa cháy áp lực cao là hệ thống có thể sử dụng để trực tiếp chữa cháy, chống cháy lan hay đấu nối vào các hệ thống chữa cháy bên trong và họng chờ khô của công trình.

Hệ thống đường ống cấp nước chữa cháy ngoài nhà có áp suất tự do tối thiểu trong đường ống phải không nhỏ hơn 10 m.c.n (mét cột nước). Đối với mạng đường ống áp lực thấp, nước được lấy thông qua các trụ nước chữa cháy, đây là thiết bị chuyên dùng bao gồm các bộ phận chính như van, thân trụ và họng chờ có kích thước theo tiêu chuẩn. Trụ nước được chia làm hai loại là trụ nổi và trụ ngầm. Đối với trụ ngầm muốn lấy nước phải dùng cột lấy nước, cột lấy nước chữa cháy là thiết bị chuyên dùng được trang bị theo xe chữa cháy dùng nối với trụ ngầm để lấy nước. Tuy nhiên ở Việt Nam, loại trụ ngầm cấp nước chữa cháy không được lắp đặt phổ biến.



Cột lấy nước (Nguồn: TCVN 6379:1998)

Đối với đường ống áp suất cao phải kèm theo các máy bơm chữa cháy và bảo đảm được trang bị phương tiện như nguồn điện, tủ điều khiển, công tắc áp lực… bảo đảm khởi động hệ thống không trễ hơn 5 phút sau khi có tín hiệu báo cháy. Áp suất tự do tối thiểu trong mạng đường ống chữa cháy áp suất cao phải bảo đảm chiều cao tia nước đặc (Lấy bằng 0,8 lần chiều cao tia nước phun theo phương thẳng đứng) không khỏ hơn 20 m khi lưu lượng yêu cầu chữa cháy tối đa và lăng chữa cháy ở điểm cao nhất của tòa nhà, chỉ khi đó hệ thống áp suất cao mới được chấp thuận.

Như vậy có thể hiểu hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà áp lực cao có thể thay thế hoàn toàn vai trò của xe chữa cháy. Thực tiễn khi điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép, ở các đô thị lớn của Mỹ như New York, San Francisco…, hệ thống cấp nước đô thị được đầu tư là hệ thống có áp lực cao, được quản lý bởi Cơ quan phòng cháy, chữa cháy, có thể sử dụng để đấu nối trực tiếp vào hệ thống họng nước chữa cháy bên trong hay hệ thống chữa cháy sprinkler tự động.

Trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà áp lực cao ở San Francisco, Mỹ (Nguồn: internet)

Hai tiêu chí quan trọng mà một hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà phải đáp ứng được là áp lực tự do tối thiểu trong đường ống và lưu lượng cấp nước. Để các phương tiện chữa cháy như máy bơm, xe chữa cháy lấy nước hiệu quả thì áp suất tự do tối thiểu trong đường ống phải đủ, bởi vậy các nước trên thế giới đều đưa ra yêu cầu tối thiểu đối với chỉ số này, ở Việt Nam hiện nay là 1 bar, trong khi Singapore yêu cầu 2 bar thì tại Mỹ là 20 psi (tương ứng với 1.4 bar).

Biểu đồ yêu cầu áp suất tự do tối thiểu trong mạng cấp nước chữa cháy ngoài nhà tại một số nước.

Song song với yêu cầu về áp lực trên đường ống cấp nước là lưu lượng nước được cấp, những thập niên gần đây, thế giới đón nhận những công trình với quy mô khổng lồ về chiều cao (Tháp Burj Khalifa cao 828 m), hay các tổ hợp nhà máy dài đến hàng km cũng như các công trình công nghiệp chứa lượng nhiên liệu có thông lượng bức xạ nhiệt lớn khi cháy (xăng dầu, khí đốt…) đòi hỏi lưu lượng cấp nước cho chữa cháy phải phù hợp với quy mô này. Nhận thấy yêu cầu về lưu lượng cấp nước chữa cháy ngoài nhà trong tiêu chuẩn TCVN 2622:1995 Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình – Yêu cầu thiết kế ban hành năm 1995 đã không còn phù hợp, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng đưa quy định về cấp nước chữa cháy vào nội dung soát xét quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để bắt kịp xu thế phát triển của ngành xây dựng. Theo đó, yêu cầu về lưu lượng cấp nước chữa cháy ngoài nhà được nâng lên với mức tối đa 100 l/s, cũng tương đồng với quy định của các nước trên thế giới như ở Singapore là 133 l/s hay ở Mỹ là hơn 1500 gpm (tương đương với hơn 95 l/s). Tuy nhiên quy chuẩn này mới có hiệu lực từ 01/7/2020, chưa đủ thời gian để đánh giá hiệu quả mang lại khi đầu tư trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà theo quy định mới.

Biểu đồ lưu lượng cấp nước chữa cháy ngoài nhà tối đa tại một số nước.

Ở Việt Nam cũng như phần lớn các nước trên thế giới, mạng đường ống cấp nước chữa cháy công cộng của các đô thị là hệ thống có áp lực thấp. Hệ thống này có ưu điểm về giá thành đầu tư, cũng như không yêu cầu cao về thông số kỹ thuật đối các thiết bị của hệ thống như công suất máy bơm, áp lực chịu được của đường ống và van… Tuy nhiên, thực trạng về cấp nước chữa cháy ngoài nhà ở nước ta còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết, điển hình như:

Một là, phần lớn đường ống cấp nước chữa cháy ngoài nhà chung mạng đường ống với hệ thống cấp nước sinh hoạt, sản xuất, dẫn đến không bảo đảm áp lực nước tại giờ cao điểm hay tại các vị trí cuối nguồn cấp. Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến tháng 5/2020, cả nước hiện có khoảng 32.766 trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà, trong đó có khoảng 14% số trụ không bảo đảm cấp nước cho xe chữa cháy.

Hai là, mặc dù đã có quy định đối với áp suất tự do trong mạng đường ống kết hợp không khỏ hơn 10 m.c.n và không lớn hơn 60 m.c.n. Tuy nhiên thực tế, không phải thiết kế công trình nào cũng thỏa mãn yêu cầu trên khi kết hợp nhiều hệ thống chữa cháy bằng nước khác nhau với yêu cầu lưu lượng, cột áp tại các vị trí khác nhau trong cùng một hệ thống như khu vực gara để ô tô tầng hầm, khu vực công năng thương mại bố trí ở các tầng khối đế, khu vực căn hộ tại các tầng cao trên 100 m. Khi đó giải pháp thiết kế các trạm bơm độc lập cho các hệ thống, các khu vực cần được xem xét lựa chọn, và nếu hệ thống trụ cấp nước chữa cháy áp lực thấp đấu nối với máy bơm của hệ thống chữa cháy áp lực cao thì phải có van giảm áp.

Ba là, nhiều tổ chức, cá nhân đang nhầm lẫn, chưa phân biệt được giữa hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà áp lực thấp và hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà áp lực cao; giữa hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà và hệ thống chữa cháy ngoài nhà, dẫn đến đầu tư không đồng bộ, thống nhất. Thực tế chúng ta không có khái niệm về hệ thống chữa cháy ngoài nhà, đây chỉ là một trong những mục đích, phương án chữa cháy bên cạnh những mục đích chữa cháy khác như chống cháy lan, tiếp nước vào hệ thống… vì vậy không thể đánh đồng khái niệm hệ thống chữa cháy ngoài nhà là hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Bên cạnh đó, việc đấu nối trụ nước chữa cháy không có sự thống nhất, gây khó khăn trong thực tế triển khai chữa cháy.

Hiện nay, Việt Nam đã có tương đối đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế đối với hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, cũng như cơ sở pháp lý quy định về trách nhiệm đầu tư, quản lý hệ thống này, như Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA, QCVN 06:2020/BXD, QCVN 01:2019/BXD, TCVN 6379:1998. Đây là thời điểm phù hợp để các cơ quan, tổ chức quản lý thắt chặt trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, thiết kế, vận hành hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, nhất là đối với hệ thống trụ cấp nước công cộng trong đô thị, khu công nghiệp, mà trước đây đâu đó còn có phần buông lỏng, dẫn đến hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, các công trình xây dựng phải đầu tư hệ thống riêng lẻ, gây khó khăn trong việc bố trí trạm bơm, bể nước và tăng kinh phí đầu tư xây dựng.

Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành đẩy mạnh các kế hoạch, phương án nhằm đưa việc quản lý, đầu tư trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà hoạt động một cách hiệu quả, trọng tâm bằng các giải pháp như: Ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, đầu tư xây dựng, tài nguyên môi trường, quy hoạch đô thị, cấp nước đô thị, khu công nghiệp, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn gửi các đơn vị địa phương nhằm thống nhất trình tự, nội dung trong quản lý đầu tư xây dựng và vận hành đối với giải pháp cấp nước chữa cháy ngoài nhà; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về PCCC nói chung và quy định đối với hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà nói riêng đến các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, các đơn vị quản lý vận hành công trình xây dựng nhằm hiểu đúng, hiểu đủ về hệ thống ngay từ giai đoạn đầu đánh giá, nghiên cứu khả thi dự án.

Nguyễn Thanh Tuấn, Trần Hải Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA, QCVN 06:2020/BXD Hướng dẫn thực hiện việc cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp.

2. TCVN 6379:1998 Thiết bị chữa cháy – Trụ nước chữa cháy – Yêu cầu kỹ thuật.

3. QCVN 06:2020/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

4. СП 8.13130.2009 Системы противопожарной защиты. Источники наружного противопожарного водоснабжения. Требования пожарной безопасности (с Изменением N 1).

5. Singapore Fire Code 2018 - Code of practice for fire precautions in buildings 2018 ( updated 30 july 2020).

6. NFPA 291 Recommended Practice for Fire Flow Testing and Marking of Hydrants.