Sự cố, tai nạn trong công trình đang xây dựng - Thực trạng và một số giải pháp

27/05/2021 12:00:00 SA

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ sự cố tai nạn tại các công trình xây dựng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cần có các biện pháp, giải pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng này. 

Theo thống kê của các bộ, ngành, chỉ tính riêng trong năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.610 người bị chết và bị thương. Trong số các vụ TNLĐ đó, sự cố tai nạn trong công trình đang xây dựng chiếm khoảng 30% tổng số vụ TNLĐ. Một số vụ TNLĐ đối với công trình đang thi công trong thời gian qua có thể kể đến như vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số nhà 16A phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào ngày 30/7/2020 làm 4 người chết; vụ sập công trình xây dựng tại Công ty Cổ phần AV Healthcare, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào ngày 14/5/2020 làm 10 người chết, 14 người bị thương…

Ảnh 1: vụ sập tại Công ty CP AV Healthcare KCN Giang Điền, Đồng Nai

Ảnh 2: Vụ sập giàn giáo tại 16A Nguyễn Công Trứ, Hà Nội

Qua tổng hợp, phân tích, đánh giá thì các vụ TNLĐ đối với công trình đang xây dựng trong thời gian qua tập trung vào một số dạng, cụ thể như sau:

Rơi, ngã từ độ cao: Đây là loại tai nạn phổ biến nhất mà công nhân, người làm việc thường gặp phải. Tùy theo tình hình thực tế mà hậu quả của sự cố, tai nạn này nghiêm trọng đến mức nào, nhiều người bị thương tật vĩnh viễn thậm chí tử vong.

Ảnh 3: Làm việc trên cao

 

Các vật từ trên cao rơi trúng: Loại hình này thường xảy ra đối với những người làm việc dưới mặt đất hay các tầng thấp, các vật rơi từ trên cao xuống có thể là gạch, ngói, các dụng cụ, thiết bị làm việc ở các tầng cao… việc này sẽ dẫn tới các chấn thương nghiêm trọng nếu những người ở dưới không mang các trang thiết bị bảo hộ hoặc mang những trang thiết bị bảo hộ không đảm bảo, không đúng quy cách

Sập công trình, giàn giáo, hầm, hào: Việc này thường xảy ra nếu công trình xây sai kỹ thuật, xây bằng vật liệu kém chất lượng, giàn giáo lắp đặt không chính xác hay vật liệu được đào lên để quá gần miệng hào thì sẽ rất dễ bị sập, rơi tự do gây thương tích cho mọi người.

Điện giật: Điện thường được dùng tại các công trình thi công để hàn, cắt, chiếu sáng,… sự cố điện giật là sự cố dẫn đến chết người phổ biến tại công trường. Việc bất cẩn, chểnh mảng trong công việc hay do dây dẫn hỏng, chập điện, bị phơi nhiễm với đường dây cao thế trên cao hoặc đặt ngầm dưới đất hoặc chủ quan khi vận hành thiết bị là những nguyên nhân phổ biến của sự cố này.

Cháy, nổ: Sự cố, tai nạn này thường xảy ra khi tập trung quá nhiều chất cháy tại công trường xây dựng, các biện pháp quản lý ngọn lửa trần hoặc do sự cố điện gây ra. Cháy, nổ thường gây thiệt hại lớn cho sức khỏe, tính mạng của công nhân trong công trường và ảnh hưởng đến chất lượng công trình đang xây dựng.

Nhiễm hóa chất: Công việc xây dựng phải tiếp xúc và sử dụng qua nhiều hóa chất độc hại. Tuy sử dụng găng tay, khẩu trang bảo hộ nhưng việc tiếp xúc lâu dài cũng làm công nhân rất dễ bị phơi nhiễm hoặc hít phải hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân.

Chấn thương khác: Đây là những chấn thương do công nhân bất cẩn trong quá trình đi lại có thể bị vấp, ngã hoặc mang vác những vật nặng lâu ngày ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống, khớp cổ tay,… lâu ngày có thể gây đau, nhức, thương tật…

Từ những sự cố, tai nạn thường xuyên xảy ra trên công trường xây dựng kể trên, để hạn chế tối đa các sự cố, tai nạn này cần nhiều biện pháp, một số các biện pháp chủ yếu là:

Thứ nhất là phải thường xuyên kiểm tra, kiểm định để chắc chắn mọi thứ đều an toàn, từ giàn giáo, chất lượng công trình đang thi công đến máy móc, thiết bị, dụng cụ làm việc; báo cáo khắc phục hoặc sửa chữa, thay mới nếu không đảm bảo.

Hai là trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, tuân thủ quy định an toàn khi mặc đồ bảo hộ, các nội quy, quy định tại công trường xây dựng và phải đặt mục tiêu an toàn là hàng đầu trong quá trình thi công xây dựng.

Ba là nhận biết và hiểu rõ đến thao tác thành thạo các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ làm việc, làm chủ được máy móc, công nghệ để vận hành thiết bị bảo đảm an toàn theo quy định của nhà sản xuất.

Bốn là bố trí, sắp xếp trang thiết bị, dụng cụ, máy móc gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ sau mỗi ca làm việc, sắp xếp trang thiết bị một cách khoa học và an toàn.

Năm là thường xuyên kiểm tra các đường dẫn điện, nước, đảm bảo không rò rỉ, hỏng hóc, cản trở di chuyển. Khi phát hiện hỏng hóc hoặc có nguy cơ hỏng hóc thì phải có cảnh báo cho khu vực xung quanh biết và có biện pháp thay thế kịp thời.

Sáu là tại công trường thi công, xây dựng phải trang bị tủ thuốc y tế chuyên dụng cơ bản dùng khi cần thiết, các dụng cụ sơ cấp cứu ban đầu cơ bản như băng, gạc, bông, nẹp,…

Bảy là các công nhân trong công trường thi công, xây dựng phải được tham gia và cấp chứng chỉ các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng xử lý sự cố, sơ cấp cứu khi gặp tai nạn lao động, các lớp huấn luyện về PCCC và CNCH. Các chứng chỉ này cũng là một trong những tiêu chí để các công nhân được làm việc trong công trình thi công, xây dựng.

Tám là cẩn thận, quan sát kĩ, thao tác chính xác trong công việc và nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc an toàn trong quá trình thi công, xây dựng./.

Quang Thành