Những đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của loại hình chợ truyền thống

10/04/2023 9:57:45 SA

Chợ truyền thống được tổ chức tại một điểm theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư (theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003). Chợ truyền thống ở nước ta có nhiều loại hình đa dạng, như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ tổng hợp, chợ chuyên doanh, chợ kiên cố hoặc bán kiên cố …Đây là loại hình cơ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy, nổ nếu công tác đảm bảo an toàn PCCC không được quan tâm đúng mức.

Trong những năm qua, ở nước ta đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như: vụ cháy chợ tạm (thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ngày 2/10/2019 gây thiệt hại 100 tỷ đồng, diện tích đám cháy: 2000m2; vụ cháy chợ Thanh Quýt (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) ngày 5/3/2020 gây thiệt hại 18,4 tỷ đồng, diện tích đám cháy: 810m2; vụ cháy chợ Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) ngày 12/10/2021 gây thiệt hại 50 tỷ đồng, diện tích đám cháy: 1450m2; vụ cháy chợ Đọ Xá xảy ra tại TP Bắc Ninh vào ngày 13/7/2022 gây thiệt hại 33 tỷ đồng, diện tích đám cháy: 1500m2 và gần đây nhất là vụ cháy chợ Tam Bạc, quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng xảy ra vào sáng ngày 12/2/2023 với diện tích đám cháy: 2000m2, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Những đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của chợ có thể kể đến như sau:

1. Vị trí địa lý

Các chợ thường được bố trí xây dựng tại nơi tập trung đông dân cư, dễ giao thương hàng hóa. Vì vậy, khu vực xung quanh chợ luôn có những dãy nhà, tuyến phố kinh doanh buôn bán hàng hóa. Điều này khiến số lượng người và trữ lượng chất cháy ở khu vực này cao hơn so với các khu vực khác trên địa bàn.

2. Giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy

- Các tuyến đường, phố bên ngoài xung quanh chợ luôn là các tuyến đường kinh doanh buôn bán nhộn nhịp. Hàng hóa, phương tiện cá nhân được bày bán trên vỉa hè, lòng đường khiến giao thông khu vực này dễ tắc nghẽn, đặc biệt trong các giờ tan tầm, gây khó khăn cho lực lượng, phương tiện chữa cháy khi di chuyển trong trường hợp xảy ra cháy, nổ trong chợ.

- Bên trong chợ, các lối đi giữa các quầy, sạp hàng thường nhỏ hẹp và hay bị các hộ kinh doanh lấn chiếm, tận dụng để bày bán hàng hóa. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, lực lượng chữa cháy rất khó khăn khi tiếp cận đám cháy qua các lối này.



Hình ảnh: Lối đi lại bị tận dụng, lấm chiếm bày bán hàng hóa

- Nguồn nước chữa cháy tại các chợ thường là các bể nước sinh hoạt, bể nước chữa cháy theo thiết kế và các nguồn nước bên ngoài (ao, hồ, sông, các trụ nước chữa cháy …). Trường hợp xảy ra cháy cần tận dụng toàn bộ các nguồn nước có thể sử dụng được để chữa cháy.

3. Kiến trúc, xây dựng

- Các chợ như chợ dân sinh, chợ tạm là loại hình chưa được xây dựng kiến cố, kết cầu xây dựng chủ yếu là khung thép, mái lợp tôn hoặc các vật liệu khác như gỗ, vải bạt, nhựa … có khả năng lan truyền ngọn lửa nhanh chóng khi xảy ra cháy.

- Các chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố thì khu vực chợ chính được xây dựng từ 1-2 tầng bằng vật liệu gạch đất nung, bê tông cốt thép có bậc chịu lửa hạng I, II. Tuy nhiên, xung quanh khu vực chợ chính thường có các khu vực chợ tạm với đặc điểm nguy hiểm cháy như trên.

4. Chất cháy

- Khối lượng chất cháy trong các chợ vô cùng lớn và đa dạng, thường được chia thành các khu vực kinh doanh như: khu vực bán quần áo, vải vóc; khu vực bán hàng gia dụng (nhựa, gỗ, giấy …); khu vực để xe (xăng, dầu); khu vực bán thực phẩm (bao bì, nilong, …).

- Các chất cháy trên đa phần là các chất dễ cháy. Trường hợp xảy ra cháy, đám cháy sẽ lan truyền rất nhanh sang các khu vực khác và phát triển thành cháy lớn nếu không có sự can thiệp kịp thời.

5. Nguy cơ phát sinh ngọn lửa

- Do ngọn lửa trần như: Hoạt động thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, hút thuốc …

- Do sự cố thiết bị điện: Tình trạng sử dụng điện gây mất an toàn về PCCC vẫn còn tiếp diễn tại nhiều chợ như như: Dây điện giăng kéo chằng chịt, mắc trực tiếp vào các thanh sắt nhưng không được luồn vào ống nhựa cách điện, thậm chí biến thành dây treo đồ, vật dụng, hàng hóa; các mối nối tuy được quấn băng cách điện nhưng chưa đúng kỹ thuật, sự chủ quan này là nguy cơ mất an toàn điện rất cao.
- Ngoài ra còn có thể kể đến các trường hợp đốt phá hoại, tư thù cá nhân …

6. Lực lượng, phương tiện chữa cháy

- Đội PCCC được thành lập tại các chợ là lực lượng chính tham gia chữa cháy khi có cháy xảy ra. Tuy nhiên, với các chợ có diện tích rộng lớn, nhiều tầng, trong trường hợp đám cháy xảy ra mà không được phát hiện và xử lý kịp thời thì số lượng đội viên Đội PCCC tại chợ thường không đủ để xử lý, dẫn tới cháy lớn.

- Phương tiện chữa cháy tại chợ đa phần là hệ thống bình bột chữa cháy. Các chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố thì được trang bị thêm hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, các họng nước chữa cháy vách tường, họng nước chữa cháy bên ngoài, máy bơm chữa cháy đặt tại các bể nước, lăng vòi chữa cháy... Các hệ thống này thường đã cũ, không được quan tâm bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, hoạt động kém, thậm chí còn mất tác dụng chữa cháy, nhiều vị trí để trang thiết bị chữa cháy bị che lấp bởi hàng hóa.



Hình ảnh: Các bình chữa cháy cũ, phủi bụi

Trước những nguy cơ tiềm ẩn nêu trên, để chủ động công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại các chợ truyền thống, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải thường xuyên hướng dẫn chủ cơ sở, Ban Quản lý chợ và đội viên Đội PCCC cơ sở các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý triệt để các vi phạm quy định an toàn về PCCC; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH để chủ động ứng phó khi có tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho hoạt động PCCC, có những giải pháp, biện pháp PCCC kịp thời khắc phục những tồn tại, nguy cơ dẫn đến cháy tại các chợ truyền thống./.

Nguyễn Bá Tuấn, Nguyễn Hà Sơn - Phòng 5/C07